Mục lục
1. Hoàng đế Gia Long (1802-1819)
Hoàng đế Gia Long tên là Nguyễn Phúc Ánh, là con thứ 3 của Nguyễn Phúc Côn và bà Nguyễn Thị Hoàn, sinh ngày 8/2/1762. Ông là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn, từng bôn tẩu ở miền Nam khi quân Trịnh vào chiếm Phú Xuân.
Năm 1792, khi vua Quang Trung mất và quây Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Phúc Ánh chỉ huy quân Nguyễn đánh chiếm Quy Nhơn, Thuận Hóa và lên ngôi hoàng đế vào 1/2/1802, lấy niên hiệu là Gia Long, lập ra triều đại nhà Nguyễn.
Gia Long là vị vua đầu tiên của triều đại nhà Nguyễn
Hoàng đế Gia Long trị vì trong 18 năm (1802-1819). Trong thời gian ngồi trên ngai vàng, ông đã cho đổi quốc hiệu nước ta thành Việt Nam năm vào tháng 3/1804, tổ chức lại các đơn vị hành chính từ trung ương xuống địa phương và bãi bỏ chức Tể tướng, đồng thời không lập ngôi hoàng hậu.
Vị vua đầu tiên của triều Nguyễn có 31 người con gồm 18 con gái và 13 con trai. Ông mất vào ngày 3/2/1820, hưởng thọ 58 tuổi. Sau khi mất, bài vị vua Gia Long được đưa vào thờ ở Thế Miếu và Miếu hiệu có tên là Thế Tổ Cao Hoàng đế.
2. Vua Minh Mạng (1820-1840)
Vua Minh Mạng là vị vua nhà Nguyễn tên thật là Nguyễn Phúc Đảm. Ông là con thứ 4 của vua Gia Long và bà Thuận Thiên Cao Hoàng hậu, sinh ngày 25-5-1791 tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Định.
Vua Minh Mạng lên ngôi vào năm 1820, trị vì trong 21 năm với nhiều cống hiến cho triều đại nhà Nguyễn. Trong thời gian làm vua, ông mở rộng bờ cõi non nước và đặt lại quốc hiệu là Đại Nam vào 1838.
Vua Minh Mạng đặt quốc hiệu nước ta là Đại Nam
Đặc biệt, vua Minh Mạng còn thực hiện nhiều cải cách như thành lập 31 tỉnh, định lại quan chế, phát triển giao thông, đề cao Nho học và khuyến khích nhân tài và lập Quốc Tử Giám, mở thêm kỳ thi Hội và thi Đình.
Vua Minh Mạng có 142 người con gồm 74 con trai và 68 con gái. Ông mất vào ngày 20/1/1841, hưởng thọ được 50 tuổi. Bài vị của nhà vua được đưa vào thờ ở Thế Miếu với Miếu hiệu Thánh Tổ Nhân Hoàng đế. Ngày nay, lăng Minh Mạng là điểm tham quan nổi tiếng ở cố đô Huế.
3. Hoàng đế Thiệu Trị (1841-1847)
Vua Thiệu Trị tên thật là Nguyễn Phúc Miên Tông, là con trưởng của vua Minh Mạng và Tá Thiên Nhân Hoàng hậu. Ông sinh ngày 16/6/1807 tại ấp Xuân Lộc, phía Đông Kinh Thành Huế.
Nhà vua lên ngôi vào ngày 11/2/1841 và trị vì trong 7 năm ngắn ngủi. Trong thời gian trị vì, vua Thiệu Trị đã cho củng cố và hoàn thiện hệ thống đê điều ở Bắc Bộ, ổn định vùng đất Tây Nam và đối thoại với phương Tây về vấn đề truyền đạo.
Vua Thiệu Trị tại vị trong 7 năm
Vua Thiệu Trị có tổng cộng 64 người con gồm 35 con gái và 29 con trai. Ông mất vào 4/10/1847, hưởng thọ 41 tuổi. Bài vị nhà vua sau khi mất được đưa vào thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu Hiến Tổ Chương Hoàng đế.
4. Vua Tự Đức (1848-1883)
Vua Tự Đức là một trong những vua nhà Nguyễn có thời gian trị vì lâu nhất. Ông tên là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con thứ 2 của vua Thiệu Trị và bà Hoàng hậu Từ Dũ, sinh ngày 22/9/1829.
Năm 1847, vua Tự Đức lên ngôi và làm chủ ngai vàng đến 1883. Tự Đức là vị vua rất thông minh và có tài văn học, là một trong những người uyên bác thời bấy giờ và là môn đồ tích cực của Khổng học.
Vua Tự Đức có nhiều kế hoạch cải cách xã hội nhưng chưa làm được
Thời gian trị vì đất nước, vua Tự Đức cho cải cách các hoạt động giao thương, kinh tế, phê chuẩn việc học tiếng nước ngoài. Thế nhưng giữa bối cảnh xã hội đầy biến động, còn rất nhiều điều nhà vua chưa kịp làm được.
Nhà vua không có con mà nhận 3 người cháu làm con nuôi là vua Dục Đức, Đồng Khánh và Kiến Phúc sau này. Ông mất vào 19/7/1883, hưởng thọ 55 tuổi. Sau khi mất, bài vị nhà vua thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu Dực Tông Anh Hoàng đế.
5. Vua Dục Đức (1883-3 ngày)
Vua Dục Đức tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Ái, con thứ 2 của Thụy Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Y và bà Trần Thị Nga, sinh vào 11/2/1853. Trong 13 đời vua nhà Nguyễn, ông là vị vua có thời gian trị vì ngắn nhất triều đại nhà Nguyễn, chỉ vỏn vẹn 3 ngày.
Vua Dục Đức chỉ lên ngôi được 3 ngày
Năm 1869, vua Tự Đức để lại di chiếu truyền ngôi nhưng khi lên ngôi được 3 ngày, nhà vua đã bị phế bỏ theo lệnh của Từ Dũ Thái hoàng Thái hậu (mẹ vua Tự Đức) và giam vào ngục đến khi mất.
Vua Dục Đức có 19 người con gồm 11 con trai và 8 con gái. Ông mất vào 24/10/1884 khi chỉ mới 32 tuổi. Thời nhà vua Thành Thái (con vua Dục Đức) năm 1892 đã truy tôn cha mình là Cung Tôn Huệ Hoàng đế.
6. Hiệp Hòa Hoàng đế (1883-4 tháng)
Trong 13 vị vua triều Nguyễn, vua Hiệp Hòa cũng là vị vua có thời gian trị vì ngắn. Ông tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Dật, là người con thứ 29 của vua Thiệu Trị và bà Đoan Tần Trương Thị Thuận, sinh ngày 1/1/1847.
Vua Hiệp Hòa bị phế truất sau 4 tháng trị vì
Khi vua Dục Đức bị phế truất, Hồng Dật lên ngôi vào 30/7/1883, lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Trong thời gian yên vị ngai vàng, Hiệp Hòa hoàng đế có ý thân Pháp nên đã bị phế bỏ ngôi vị. Ông đã bị buộc phải uống thuốc độc tự vẫn vào 29/11/1883. Vua Hiệp Hòa có 17 người con gồm 11 con trai và 6 con gái.
7. Kiến Phúc Hoàng đế (12.1883-8.1884)
Kiến Phúc Hoàng đế tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Đăng, con thứ 3 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh. Ông sinh ngày 12/2/1869 và được vua Tự Đức nhận làm con nuôi khi lên 2 tuổi.
Vua Kiến Phúc mất khi mới 16 tuổi
Khi vua Hiệp Hòa bị phế truất, Ưng Đăng được đưa lên ngai vàng khi mới 15 tuổi, đặt niên hiệu là Kiến Phúc. Trị vì đất nước được 8 tháng, nhà vua mất vào 31/7/1884 khi chỉ mới 16 tuổi. Bài vị nhà vua sau khi mất được thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Giản Tông Nghị Hoàng đế.
8. Vua Hàm Nghi (8.1884-8.1885)
Hoàng đế Hàm Nghi có tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 3/8/1871. Khi vua Kiến Phúc qua đời, Ưng Lịch lên ngôi vua và đặt niên hiệu là Hàm Nghi khi mới 14 tuổi.
Vua Hàm Nghi phát động phong trào Cần Vương năm 17 tuổi
Vua Hàm Nghi là một trong những vị vua nhà Nguyễn đối diện với nhiều biến động lịch sử. Năm 1888, nhà vua ban chiếu Cần Vương khi mới 17 tuổi, khởi động phong trào kháng chiến chống Pháp trên toàn quốc. Năm 1889, ông bị Pháp bắt và lưu đày tại Algérie.
Tại đây, nhà vua đã học và nhanh chóng thông thạo tiếng Pháp, hiểu sâu sắc về văn chương, mỹ thuật Pháp là một họa sĩ có tài. Tuy nhiên, nhà vua vẫn giữ nguyên tập tục dân tộc búi tóc, mặc áo dài Việt Nam. Vua Hàm Nghi chỉ có 3 người con gồm 2 con gái và 1 con trai. Ông mất vào 4/1/1943, hưởng thọ 72 tuổi.
9. Vua Đồng Khánh (10.1885-12.1888)
Vua Đồng Khánh tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Thị, con trưởng của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Bùi Thị Thanh, sinh ngày 19/2/1864. Ông được vua Tự Đức nhận làm con nuôi khi mới lên 2 tuổi.
Vua Đồng Khánh là vị vua “thân Pháp”
Khi vua Hàm Nghi bỏ ngai vàng ra Tân Sở năm 1885, triều đình nhà Huế thương lượng với Pháp đưa Ưng Thị lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Đồng Khánh. Từ đầu, vị vua nhà Nguyễn này đã là công cụ của người Pháp. Ông càng thân Pháp thì phong trào Cần Vương càng lan rộng. Vì thế, vua Đồng Khánh trở thành vị vua bị thần dân oán ghét.
Vua Đồng Khánh có 10 người con gồm 6 con trai và 4 con gái. Sau 3 năm tại vị, nhà vua qua đời vào 28/1/1889 khi mới 25 tuổi. Bài vị của ông được thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Cảnh Tông Thuần Hoàng đế.
10. Vua Thành Thái (1.1889-7.1907)
Vua Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Lân, là con trai thứ 7 của vua Dục Đức và Từ Minh Hoàng hậu, sinh ngày 14/3/1879. Khi vua Đồng Khánh qua đời, Pháp đã đồng ý cho triều đình nhà Huế đưa Bửu Lân lên ngôi vua vào 1/2/1899 khi chỉ mới 10 tuổi.
Vua Thành Thái là vị vua yêu nước thương dân
Vì sống gần dân từ nhỏ nên nhà vua rất thương dân và hay vi hành. Dù lên ngôi khi còn nhỏ tuổi như vua Thành Thái là người có tư tưởng tiến bộ và có tinh thần chống Pháp. Ông thích đọc tân thư chữ Hán nên có tinh thần tự cường dân tộc và đầu óc cải cách.
Trong 13 đời vua Nguyễn, Thành Thái là một vị vua thông minh và yêu nước nên chính quyền thực dân Pháp đã gây áp lực buộc ông thoái vị và đưa đi lưu đày tại Réunion vào năm 1916. Năm 1947, ông được trở về Sài Gòn và mất vào 9/3/1955, hưởng thọ 77 tuổi. Vua Thành Thái có 45 người con gồm 26 con gái và 19 con trai.
11. Vua Duy Tân (1907-1916)
Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, là con thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định. Ông sinh ngày 19/9/1900. Khi vua Thành Thái thoái vị vào 1907, Vĩnh San được đưa lên ngôi vua khi chỉ mới 8 tuổi, lấy niên hiệu là Duy Tân. Dù là vị vua nhỏ tuổi nhất trong số 13 vua nhà Nguyễn nhưng vua Duy Tân lại là người có khí phách của một đế vương.
Vua Duy Tân có khí chất của một bậc quân vương
Từ khi còn nhỏ, nhà vua đã có tư tưởng chống Pháp quyết liệt. Năm 1916, nhà vua cùng Trần Cao Vân, Thái Phiên vạch ra kế hoạch chống Pháp nhưng âm mưu bại lộ và bị bắt. Vì không chịu khuất phục chính quyền thực dân, ông bị lưu đày sang đảo Réunion.
Trong thời gian ở Réunion, vua Duy Tân gia nhập quân đội của “nước Pháp tự do”. Năm 1945, ông được về Việt Nam nhưng mất trong một tai nạn máy bay vào ngày 25/12/1945 và an táng tại nghĩa trang Thiên Chúa Giáo M’Baiki. 6/4/1987, nhà vua được cải táng trong khuôn viên Lăng Dục Đức. Vua Duy Tân chỉ có 5 người con gồm 3 con trái và 2 con gái.
12. Khải Định Hoàng đế (1916-1925)
Hoàng đế Khải Định tên thật là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, con trưởng của vua Đồng Khánh và Hựu Thiên Thuần Hoàng hậu, sinh ngày 8/10/1885. Năm 1916, khi vua Duy Tân bị đưa đi lưu đày, Bửu Đảo được chọn lên ngôi vua, lấy niên hiệu là Khải Định.
Trong các đời vua triều Nguyễn thì vua Khải Định là một trong những vị vua bù nhìn, thân Pháp và tiêu xài hoang phí khiến nhân dân oán ghét. Ông từ tổ chức lễ mừng thọ tuổi 40 rất tốn kém khiến ngân sách triều đình cạn kiệt.
Vua Khải Định lên ngôi trong 10 năm
Tại vị 10 năm, nhà vua bệnh nặng và qua đời vào 6/11/1925 ở tuổi 41. Sau khi qua đời, bài vị nhà vua được thờ trong Thế Miếu và có Miếu hiệu là Hoằng Tông Tuyên Hoàng đế. Vua Khải Định vô sinh, thái tử Vĩnh Thụy được nhận làm con (sau này là vua Bảo Đại).
13. Hoàng đế cuối cùng – Bảo Đại (1926-1945)
Vua Bảo Đại tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy, là vị vua cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn. Ông là con (nuôi) của vua Khải Định và bà Hoàng Thị Cúc, sinh ngày 22/10/1913.
Từ lúc 10 tuổi, ông đã được cho học tập tại Pháp, lên ngôi vào 8/1/1926 lấy niên hiệu là Bảo Đại. Sau khi lên ngôi, nhà vua tiếp tục học tập tại Pháp và trở về vào 8/9/1932 mới trở về Huế.
Bảo Đại là vị vua cuối cùng của triều Nguyễn và của chế độ phong kiến Việt Nam
Trong thời gian trị vì, ông kết hôn với bà Nguyễn Hữu Thị Lan và lập bà là Nam Phương hoàng hậu. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị, trao lại chính quyền lại cho Chính phủ Cách mạng Lâm thời. Con đường chính trị của ông nhiều gian nan, đến tháng 10/1956, vua Bảo Đại sang Pháp sống tại Alsace. Ông mất tại Pháp vào 1/8/1997. Nhà vua có 5 người con gồm 3 con gái và 2 con trai.
Trên đây là những tóm tắt ngắn về cuộc đời của 13 vị vua nhà Nguyễn từ năm 1802 – 1945. Dù thời gian tại vị ngắn hay dài thì các triều đại vua cũng đã để lại một dấu ấn đặc biệt trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc.