Tiểu sử vua Lý Chiêu Hoàng (Lý Phật Kim)

Nếu như Trung Hoa có Võ Tắc Thiên đầy quyền lực thì trong lịch sử phong kiến Việt Nam cũng ghi nhận một nữ vương duy nhất đó là Lý Chiêu Hoàng. Bà là con gái thứ của vua Lý Huệ Tông và hoàng hậu Trần Thị Dung. Cuộc đời bà trải qua những thăng trầm, truân chuyên đầy ngang trái để lại bao thương cảm cho người đời. Cùng tìm hiểu tiểu sử vua Lý Chiêu Hoàng để biết rõ hơn nhé!

1. Thân thế

Lý Chiêu Hoàng, tên khai sinh là Lý Phật Kim, sau đổi thành Lý Thiên Hinh, là con gái thứ hai của vua Lý Huệ Tông và Linh Từ Quốc Mẫu-Trần Thị. Bà sinh khoảng tháng 9 năm Mậu Dần (1218) tại kinh đô Thăng Long, với tước hiệu ban đầu là Chiêu Thánh Công chúa.

Chị gái của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công chúa, người đã kết hôn với Khâm Minh Đại Vương-Trần Liễu. Trần Liễu là con trai trưởng của Trần Thừa và anh trai của Trần Thái Tông-Trần Cảnh. Vào thời điểm Lý Chiêu Hoàng ra đời, vua Lý Huệ Tông đã mắc bệnh tâm thần, và triều đình hoàn toàn dưới sự kiểm soát của họ Trần. Trần Tự Khánh, bác ruột của Lý Chiêu Hoàng, giữ chức Thái Úy và là phụ chính. Một người bác khác, Trần Thừa, giữ chức Nội Thị Phán Thủ.

Vào năm Nhâm Ngọ (1222), vua Lý Huệ Tông đã chia các lộ trong nước cho hai công chúa của mình. Sau cái chết của Trần Tự Khánh, Trần Thừa tiếp tục giữ chức Thái Úy Phụ Chính. Trần Thủ Độ, cậu của Lý Chiêu Hoàng, được bổ nhiệm làm Điện Tiền Chỉ Huy Sứ, phụ trách các cơ cấu quân sự quan trọng của hoàng cung.

Nữ vương đầu tiên và duy nhất trong lịch sử Việt Nam

2. Cuộc đời của vị vua nữ duy nhất trong lịch sử Việt Nam

Lý Chiêu Hoàng nổi tiếng lịch sử khi bà là vị nữ hoàng đầu tiên và duy nhất của triều đại phong kiến Việt Nam. Mặc dù vậy, cuộc đời của bà lại là những chuỗi ngày đau đớn, bi kịch. Sau khi bị Trần Thủ Độ ép đi tu, vì không có con trai nên Lý Huệ Tông đã lập công chúa Chiêu Thánh lên làm Thái tử rồi truyền ngôi báu lại lấy niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo. Mặc dù lên làm vua nhưng binh quyền thực tế lại về tay của Trần Thủ Độ.

Năm 1225, toàn bộ binh quyền và các các chức quan chủ chốt trong triều đình đều do họ Trần nắm giữ. Dưới sự thao túng của Trần Thủ Độ thì Trần Cảnh (cháu họ Trần Thủ Độ, con của Trần Thừa) được đưa vào cung làm Chánh thủ hầu hạ Lý Chiêu Hoàng khi chỉ mới 8 tuổi. Trần Cảnh và Lý Chiêu Hoàng rất yêu mến và hay chơi đùa cùng nhau. Lợi dụng điều này Trần Thủ Độ dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi để bà nhường ngôi cho chồng. Cũng kể từ đó nhà Trần được thành lập.

Chiêu Thánh Hoàng hậu và Thái Tông Hoàng đế 10 năm bên nhau hòa thuận

Sau khi nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Lý Chiêu hoàng được sắc phong Chiêu Thánh hoàng hậu. Hai vợ chồng chung sống yêu thương, hòa thuận gần 10 năm. Tuy vậy, vì đã lấy nhau lâu nhưng không có con (Thái tử Trần Tịnh mệnh yểu mất sớm) nên Trần Thủ Độ và vợ Thiên Cực (vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ ruột Chiêu Thánh) ép Trần Cảnh phải lấy chị dâu (chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên khi đó đang mang thai 3 tháng. Sau đó, Chiêu Thánh bị phế hậu còn Thuận Thiên lên làm hoàng hậu.

3. Gia quyến

Năm 1258 sau khi chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ nhất, Trần Thái Tông gả Chiêu Thánh cho Lê Phụ Trần. Đây là viên tướng giỏi, tài ba, lập được nhiều chiến công, được vua coi trọng. Khi ấy Lý Chiêu Hoàng đã 40 tuổi. Hai người chung sống cùng nhau 20 năm và sinh ra hai người con là thượng vị hầu Lê Tông và Ứng Thụy công chúa Khuê. Sau này Lê Tông trưởng thành được phong tước Thượng vị hầu, vua ban quốc tính và đổi tên thành Trần Bình Trọng. Trần Bình Trọng là danh tướng với câu nói bất hủ: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”.

Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng của nhân dân

Tháng 3 năm Mậu Dần (1278), Lý Chiêu Hoàng qua đời, hưởng thọ 61 tuổi, sau gần 1 năm vua Trần Thái Tông qua đời (1277). Lý Chiêu Hoàng được an táng ở bìa rừng Báng, người đời sau lập đền thờ cho bà gọi là Long Miếu (đền Rồng) ở quê nhà Cổ Pháp (Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay).

Trên đây là bài viết giới thiệu về tiểu sử vua Lý Chiêu Hoàng cũng như cuộc đời bi thương của bà. Có thể nói mặc dù là vị nữ vương đầu tiên và duy nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam nhưng cuộc đời Lý Chiêu Hoàng luôn phải đối mặt với những bi kịch ngang trái. Hy vọng thông qua bài viết này đọc giả sẽ biết thêm nhiều thông tin bổ ích về Lý Chiêu Hoàng là ai và câu chuyện chuyển giao giữa hai triều đại Lý, Trần.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *